Hơn 4 triệu lao động rút bảo hiểm xã hội một lần trong 6 năm qua

Giai đoạn 2016-2021, có 4,06 triệu người lao động rút BHXH một lần, trong khi có 4,2 triệu người tham gia mới bảo hiểm xã hội. Như vậy, cứ 1,048 người tham gia mới thì có 1 người rời khỏi hệ thống.

700.000 lao động rút bảo hiểm xã hội một lần mỗi năm

Theo báo cáo đánh giá thực trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động theo Nghị quyết số 93 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), bình quân mỗi năm gần 700.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần với số lượng năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%.

Tổng kinh phí chi trả giai đoạn này là 131.940 tỉ đồng. Người rút phần lớn làm việc trong doanh nghiệp với gần 2,9 triệu (90,7%); tiếp đến là khu vực nhà nước 257.000 người (8%) và lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện 38.800 người (1,2%).

Cũng theo thống kê, người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tập trung đông nhất ở nhóm tuổi từ trên 30 đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 40,4%). Nhóm từ 20 đến 30 tuổi chiếm 37,1%… Như vậy, người hưởng bảo hiểm xã hội một lần từ trên 20-40 tuổi chiếm 77,5% tổng số người rút.

Bên cạnh đó, tuổi bình quân hưởng bảo hiểm xã hội một lần của nam, nữ và tổng số thời gian đóng bảo hiểm xã hội bình quân đã có chiều hướng tăng lên hằng năm. Tuy nhiên, tuổi bình quân hưởng bảo hiểm xã hội một lần của cả nam và nữ là thấp.

Từ số liệu phân tích trên, Bộ LĐTBXH cho rằng, ở giai đoạn còn trẻ, hầu hết lao động quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già. Thêm nữa, do áp lực về tài chính và sự thay đổi, gián đoạn trong công việc nên số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần bình quân còn trẻ.

Giải pháp căn cơ hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội – cho biết, mục tiêu của bảo hiểm xã hội là đảm bảo an sinh xã hội cho toàn dân, do đó, khi đã tham gia vào hệ thống thì không nên rút, trừ hai trường hợp đặc biệt.

Hiện nay, có tình trạng người lao động gặp khó khăn, dẫn đến việc họ muốn rút bảo hiểm xã hội một lần.

Trao đổi về hai phương án được Bộ LĐTBXH lấy ý kiến, ông Lợi cho rằng, phương án thứ nhất cho rút như hiện nay sẽ rất nguy hiểm. Người lao động lấy ra dùng hôm nay nhưng sẽ không lo được cho mai sau.

Với phương án thứ hai chỉ được rút 50% bảo hiểm xã hội một lần, ông Lợi cho biết đề xuất này tốt cho hiện nay. Bởi, khó khăn hôm nay có thể là trước mắt còn lâu dài sẽ còn khó khăn nữa, vì thế việc đề xuất cho rút 50% còn giữ lại 50% là hợp lý. Số 50% giữ lại này sẽ được bảo lưu, không mất đi và sẽ vẫn tăng lên khi mang đi đầu tư. Không may người lao động mất thì vẫn được hưởng mai táng phí, lấy lại tiền này hoặc lấy tuất thường cho bố mẹ hết tuổi lao động, con chưa đến tuổi lao động.

Còn ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, bản chất của bảo hiểm xã hội một lần là giải quyết khó khăn trước mắt cho người lao động khi mất việc làm.

Để hạn chế tình trạng trên, ông Quảng cho rằng, cần phải có giải pháp duy trì việc làm bền vững, chất lượng việc làm là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, cần có những chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người lao động lúc khó khăn.

Bởi, tất cả trường hợp rút bảo hiểm xã hội một lần khi mất việc làm. Còn khi vẫn có công ăn, việc làm, không ai nhận bảo hiểm xã hội một lần. Vì vậy, căn cơ nhất là nâng cao đời sống, thu nhập của người lao động khi họ tham gia vào quan hệ lao động.

Một nguyên nhân dẫn đến việc rút bảo hiểm xã hội một lần, ông Quảng phân tích, có nhiều người lao động chưa có niềm tin vào hệ thống an sinh. Nhiều trường hợp người lao động không được giải quyết chế độ do doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, cần tăng cường biện pháp, đảm bảo thực thi pháp luật để tạo niềm tin cho người lao động.

Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cần tăng tính hấp dẫn, tăng cường quyền lợi của người lao động khi tham gia vào hệ thống.

(Theo Lao Động)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *