Cảnh báo tình trạng vay nợ và các bẫy việc làm cuối năm

Mất việc dịp cận Tết khiến nhiều gia đình công nhân rơi vào cảnh khó khăn, phải tìm kiếm việc làm mới, vay nợ để sinh sống qua ngày. Lợi dụng tình hình này, rất nhiều đối tượng đã dùng mọi “chiêu trò” để lừa đảo người lao động.

Công nhân lao đao vì mất việc làm

Do thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, bố trí cho công nhân giãn việc, giảm giờ làm, không tăng ca khiến đời sống của người lao động (NLĐ) càng thêm khó khăn.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, trong 10 tháng đầu năm 2022, toàn thành phố có hơn 128.000 người mất việc, đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, tăng khoảng 27% so với cùng kỳ.

Trong tháng 11/2022, 2 công ty sử dụng nhiều lao động là Công ty Việt Nam Samho ở huyện Củ Chi, Công ty TNHH Tỷ Hùng ở quận Bình Tân cũng thông báo cắt giảm hàng nghìn công nhân vì thiếu đơn hàng để duy trì hoạt động sản xuất.

Tại Long An, đã có hơn 4.100 CNLĐ tại hơn 17 doanh nghiệp bị chấm dứt HĐLĐ hoặc giảm giờ làm. Trong đó có hơn 1.000 CNLĐ bị chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn và hơn 3.100 người bị giảm thời gian làm việc. Điều đáng nói là trong số các doanh nghiệp này có đơn vị còn nợ bảo hiểm xã hội lên đến hàng tỷ đồng.

Doanh nghiệp có số CNLĐ bị chấm dứt HĐLĐ nhiều nhất là Công ty Cổ phần Del Tech (huyện Bến Lức) với hơn 700 người. Đơn vị có CNLĐ bị giảm giờ làm nhiều nhất là Công ty TNHH Yujin Kreves (huyện Thủ Thừa) với hơn 720 người. Đặc biệt, có gần 170 CNLĐ bị mất việc hoặc giảm giờ làm là CNLĐ nữ đang có thai hoặc nuôi con nhỏ.

Lý do được đưa ra là các doanh nghiệp làm ăn khó khăn, thiếu đơn hàng… Công đoàn các cấp trong tỉnh đang có kế hoạch tập trung giúp số CNLĐ khó khăn này khi Tết cận kề.

Còn tại Bình Dương, đầu năm 2022 đến nay có khoảng 240.000 lao động bị giảm giờ làm, giảm thu nhập – theo thông tin từ LĐLĐ tỉnh này. Nguyên nhân tương tự, do các doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng vì tác động của tình hình thế giới, tập trung ở các ngành nghề như gỗ, dệt may, điện tử, da giày,…

Mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập dịp cận Tết khiến nhiều gia đình công nhân rơi vào cảnh khó khăn, phải tìm kiếm việc làm mới, vay nợ để sinh sống qua ngày. Với những công nhân chưa làm đủ 1 năm, không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì tình hình càng khó khăn hơn trong thời gian cận Tết.

Xuất hiện đường dây lừa đảo với nhiều thủ đoạn tinh vi

Lợi dụng tình hình khó khăn của công nhân lao động, nhiều thủ đoạn lừa đảo được các đối tượng xấu tung ra khiến người lao động khốn đốn. Vừa qua, Công an TP.HCM triệt phá 2 đường dây lừa đảo lợi dụng công nhân khó khăn khi mất việc làm, không có tiền trang trải cuộc sống bằng cách làm giả hồ sơ vay tiền, thẻ ngân hàng… để thu tiền phí bảo hiểm.

Riêng trong tháng 9/2022, Công an TP.HCM đã triệt phá 2 đường dây với tổng cộng 91 đối tượng. Hai đường dây này lừa đảo bằng cách làm giả hồ sơ vay tiền, thẻ ngân hàng, gửi cho người dân và nhờ thu hộ phí bảo hiểm vay tiền.

Vụ án lớn nhất bị công an triệt phá là vào chiều 26/9, các trinh sát Công an quận Tân Phú và Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM ập vào căn nhà 3 tầng trên đường Trần Quang Quá (phường Hiệp Tân, quận Tân Phú) bắt quả tang hơn 80 đối tượng đang thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Những người này giả làm nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho những người có tên trong danh sách đã soạn sẵn để tư vấn cho vay 20-100 triệu đồng với lãi suất 0%.

Nếu đồng ý, khách hàng phải đóng tiền phí bảo hiểm 1,7-3,9 triệu đồng tùy số tiền vay. Nhóm này sẽ lấy thông tin của khách rồi chuyển lại cho người cầm đầu làm giả hồ sơ cho vay vốn của ngân hàng.

Sau đó, nhóm cầm đầu sẽ thuê dịch vụ chuyển phát nhanh để giao hợp đồng giả kèm theo một thẻ ngân hàng giả cho khách, đồng thời nhờ bưu cục thu hộ các khoản tiền phí bảo hiểm. Tiếp đến, liên hệ bưu điện lấy số tiền mặt rồi chiếm đoạt khoản tiền phí bảo hiểm trên.

Một thủ đoạn lừa đảo việc làm khác nhắm vào người có nhu cầu tìm việc là mạo danh nhân viên các trang thương mại điện tử lớn lôi kéo người “cộng tác bán hàng online” với trò “chốt đơn, nhận hoa hồng”, lập nhóm tư vấn đầu tư tài chính…

Các đối tượng thường mạo danh nhân viên các trang thương mại điện tử lớn chào mời người cần kiếm việc làm cộng tác viên bán hàng, chốt đơn hàng ảo với lý do tăng doanh số.

Lời chào mời hấp dẫn với mức thu nhập từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng một ngày. Điều kiện tham gia lại đơn giản, chỉ cần thẻ ATM và có điện thoại di động là làm được nên khá nhiều người mắc bẫy.

Theo Thượng tá Trần Thanh Giang, Công an TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thông qua hệ thống trang mạng xã hội của đơn vị, dán các tờ tuyên truyền, infographic tại các điểm công cộng, tổ chức họp khu phố để tuyên truyền… để người dân cũng như người lao động hiểu biết rõ hơn, cảnh giác với những thủ đoạn trên.

(Theo Lao động & Công đoàn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *