Cơn ác mộng khó quên với 37 ngư dân bị “giam” 4 tháng ở Malaysia

Trong nỗi niềm vỡ òa khi được trở về quê hương sau 4 tháng bị tạm giữ ở nước ngoài, thuyền trưởng tàu cá Quảng Nam vừa trở về từ Malaysia chia sẻ, sự cố là cơn ác mộng khó quên trong đời.

Bất ngờ bị “đón lõng” giữa biển

Ngày 23/9, tại xã ven biển Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), trời mưa tầm tã, rất đông bà con lối xóm kéo đến nhà, chia vui với các thuyền viên vừa trở về sau gần 4 tháng bị tạm giữ ở Malaysia.

Tay bắt mặt mừng, họ ôm nhau thắm thiết, không khí hân hoan xua tan những lo lắng phiền muộn của các gia đình ở làng chài sau bao tháng trời ngóng trông người thân trở về.

Nhớ lại những ngày bị giam giữ tại Malaysia, ông Trần Văn Mạnh (41 tuổi, ở thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) – thuyền trưởng tàu QNa 95005 TS rơi nước mắt.

Ông Mạnh kể, khi thấy tàu của mình bị tàu Malaysia đón bắt, các thuyền viên, ngư dân rất hoảng loạn và bất ngờ.

Theo ông Mạnh, khi bị tàu cảnh sát biển Malaysia tiếp cận, máy giám sát và định vị tàu cá của ông đều hiển thị con tàu đang trong vùng lãnh hải Việt Nam. Thế nhưng ông và các bạn thuyền lại bị phía bạn cáo buộc vi phạm, đánh bắt trái phép.

Phía Malaysia đã tịch thu toàn bộ hải sản mà các ngư dân đánh bắt được hơn 1 tháng trước đó. Đồng thời, thu toàn bộ ngư cụ, tàu và cả tư trang của thuyền viên trên tàu.

Trở về sau gần 4 tháng bị tạm giữ ở Malaysia, thuyền trưởng Mạnh trông gầy gò và hốc hác hẳn. Ông Mạnh rơi nước mắt bày tỏ cảm thấy may mắn khi lúc này đây lại được bình an ngồi trong căn nhà ở làng chài quê hương cùng vợ con.

“Được trở về quê hương, đoàn tụ cùng gia đình là diễm phúc rất lớn. Có đợt anh em bị sốt cao không có thuốc điều trị, tưởng chết đến nơi rồi. Những ngày tháng đó là cơn ác mộng khó quên trong đời”, thuyền trưởng Trần Văn Mạnh xúc động nói.

Mệt mỏi, hoảng loạn là tâm trạng của Đinh Gia Huy (22 tuổi, ở thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình), một thuyền viên trên tàu đánh bắt cá của ông Trần Văn Mạnh.

Huy kể mới đi biển được hơn 3 năm nay, không ngờ lại gặp sự cố lớn như vậy. Những tháng ngày bị giam giữ ở Malaysia, Huy gần như suy kiệt vì điều kiện sinh hoạt, ăn uống kham khổ. Trở về quê hương, Huy hay tin vợ đã ôm con bỏ đi vì tưởng Huy đã bỏ mạng nơi xứ người.

“Em không tin được mình đã trở về quê hương. Những tháng ngày bị hành hạ về thể xác và tinh thần khiến em suy sụp. Em cứ ngỡ mình vừa từ cõi chết trở về”, Đinh Gia Huy bần thần chia sẻ.

5 tỷ đồng nộp phạt

Làm thuyền trưởng 13 năm, nhiều lần đến vùng biển trên đánh bắt, ông Trần Văn Mạnh cho biết, ông chưa từng bị tấn công, bắt giam và phạt tiền.

Ngày 30/8, Tòa án Kota Kinabalu (Malaysia) đưa vụ án ra xét xử. Theo các ngư dân, thuyền trưởng Trần Văn Mạnh phải nộp phạt 150.000 RM (hơn 900 triệu đồng), 36 ngư dân mỗi người bị phạt 20.000 RM (hơn 120 triệu đồng). Tổng cộng 37 ngư dân bị phạt hơn 5 tỷ đồng.

Sau phiên tòa, họ đã nộp phạt, nhưng phải chờ hơn 20 ngày mới được trả tự do, được cho về nước.

Nắm chặt tay chồng sau hơn nhiều tháng xa cách, bà Trần Thị Tình (38 tuổi, vợ thuyền trưởng Trần Văn Mạnh) nghẹn ngào nói, những tháng qua, bà đã cùng con trai nhiều lần gửi đơn kiến nghị, xin cứu giúp nhóm ngư dân.

Ngoài tiền phạt, bà Tình đã thuê luật sư tại Malaysia bào chữa cho chồng hết 30.000 RM (hơn 150 triệu đồng), chi phí cho mỗi người thân sang hỗ trợ pháp lý hết 25 triệu đồng.

Toàn bộ tàu và thủy sản của ngư dân sau hơn 1 tháng đánh bắt bị tịch thu. Riêng con tàu của ông Mạnh trị giá hơn 6 tỷ đồng (bao gồm cả ngư lưới cụ mới mua). Dù mất mát, vợ chồng bà Tình vẫn mong muốn được hỗ trợ để tiếp tục bám biển.

“Để trả tiền nộp phạt, chúng tôi phải cầm cố tài sản, vay mượn khắp nơi. Giờ chỉ mong được hỗ trợ, lấy lại tài sản bị tịch thu để có thể tiếp tục vươn khơi bám biển mà trả nợ”, bà Tình buồn bã nói.

Bà Lê Thị Liên (70 tuổi, ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình), bà ngoại của thuyền viên Đinh Gia Huy khóc nghẹn khi kể, để có tiền đưa Huy trở về, gia đình bà phải cầm cố tài sản, vay nợ khắp nơi mới đủ.

Mấy tháng nay, khi con cháu bị giam giữ tại Malaysia, bà phải nhận thêm việc đan thúng câu mực để có tiền trang trải cuộc sống và nuôi mẹ già 103 tuổi.

“Bao năm nay, gia đình chúng tôi nhiều thế hệ vươn khơi bám biển mà chưa từng gặp tình cảnh éo le thế này. Làm ăn thất bát, giờ thêm nợ nần chồng chất, chỉ mong có sự hỗ trợ của nhà nước để con cháu có thể tiếp tục vươn khơi, làm ăn mà trả nợ”, bà Liên lặng lẽ lau nước mắt.

(Theo Dân Trí)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *