Hơn 16.000m2 đất nằm ngay bên bờ vịnh Hạ Long của Công ty TNHH MTV Cảng Hòn Gai Vinashin nhưng suốt nhiều năm các bên không tìm ra được phương án xử lý, khiến không chỉ lãng phí về quỹ đất “vàng”, mà còn kéo theo hàng chục công nhân lao động sống lay lắt, tạm bợ.
Mất dần nguồn thu
Cảng Hòn Gai Vinashin, nằm ở phường Hồng Gai, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh từng được kì vọng trở thành một cảng biển lớn trong khu vực và trên thế giới.
Từ bến cảng này, con tàu Hoa Sen đã có một số chuyến chạy kết nối Bắc – Nam nhưng rồi dừng hẳn vào năm 2008, trong khi Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và hiện nay là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) rơi vào khủng hoảng.
Kể từ đó, Công ty TNHH MTV Cảng Hòn Gai Vinashin chỉ còn sống nhờ vào tiền cho thuê cảng bến, dịch vụ đối với các tàu du lịch tham quan vịnh Hạ Long.

Tuy nhiên, số tàu cứ giảm dần khi một cảng tàu mới, hiện đại hơn ở gần đó được đưa vào khai thác, khiến đời sống của người lao động công ty ngày một khó khăn hơn.
Người lao động trong công ty bỏ dần để tìm việc mới, chỉ còn lại những người đã cứng tuổi, một phần hi vọng duy trì đợi giải quyết chế độ để nghỉ việc, phần vì khó xin làm việc khác.
Đầu năm 2022, Ban Quản lý vịnh Hạ Long ra quyết định dừng bán vé tham quan vịnh Hạ Long tại Cảng Hòn Gai Vinashin; cũng đồng nghĩa với khai tử nguồn thu chính của công ty.
Hết nguồn thu nên công ty công văn đề nghị SBIC hỗ trợ kinh phí để hoạt động và trả lương cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên. Tuy nhiên, SBIC trả lời: không có cơ chế hỗ trợ chi phí đối với các đơn vị thành viên.
Theo ông Đặng Văn Quý – Giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Hòn Gai Vinashin, trước tình hình trên, công ty đã có công văn xin ý kiến và được SBIC chấp thuận cho thuê mặt bằng, cơ sở hạ tầng hiện có để tạo nguồn thu vừa để chi trả lương, đóng bảo hiểm cho 16 cán bộ, công nhân lao động, vừa trông coi, duy tu nhỏ cơ sở vật chất của công ty trong quá thời gian chờ tái cơ cấu.
“11 hộ thuê đều biết tính pháp lý của Cảng Hòn Gai Vinashin, nên họ chỉ được sửa sang, nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện có. Một quán ăn mới thì được dựng bằng sắt tiền chế. Tất cả đều thống nhất khi nhà nước lấy lại mặt bằng thì tự tháo dỡ và không được đòi bồi thường” – ông Quý cho biết.
Tuy nhiên, 11 hộ đầu tư và khai thác chưa được bao lâu thì chính quyền địa phương yêu cầu dừng hoạt động vì vi phạm quy định về trật tự xây dựng do việc cho thuê mặt bằng, cơ sở hạ tầng là sai mục đích sử dụng.
Ai cũng đúng, nhưng người lao động thiệt thòi
Hiện, hầu hết cơ sở kinh doanh đã đều dừng hoạt động. Ông Quý lo lắng sẽ không biết lấy đâu ra 80 triệu đồng/tháng để trả lương cho 16 lao động và 32 triệu đồng tiền bảo hiểm xã hội; chưa kể tiền duy tu, sửa chữa nhỏ tài sản của công ty.
Chị Vũ Thị Nhàn – người gắn bó với công ty suốt 21 năm qua – cho hay, các cơ quan nhà nước đều đúng, nhưng để lãng phí hơn 16.000m2 đất “vàng” bên bờ vịnh Hạ Long, trong khi người lao động cả chục năm qua luôn trong tình trạng thấp thỏm chờ lương là điều chua xót.

“Chúng tôi luôn chia sẻ với công ty, lãnh đạo công ty, nhưng không biết liệu có thể cứ tiếp tục thế này mãi được không. Mong tiến trình tái cơ cấu công ty nhanh để người lao động sớm được giải quyết các chế độ và nghỉ việc hoặc chuyển việc” – chị Nhàn tâm sự.
Theo giá thị trường, hiện, đất ở khu vực này lên tới vài trăm triệu đồng/m2 và được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
SBIC muốn trả lại mảnh đất này cho tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Quảng Ninh cũng muốn nhận lại. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế, chính sách nên hơn 16.000m2 đất ở vị trí đắc địa đến giờ vẫn bỏ hoang và đây cũng là mấu chốt khiến không thể tái cơ cấu được Công ty TNHH MTV Cảng Hòn Gai Vinashin.
Trong đó, theo ông Quý, vướng mắc lớn nhất là việc xử lý số tài sản, công trình đã được đầu tư với tổng vốn khoảng 108 tỉ đồng. Theo đó, nếu đơn vị nào mua hoặc nhận lại thì vẫn phải trả số tiền trên dù có thể công trình không sử dụng được hoặc không phù hợp.
Trong số này, có Cảng khách Hòn Gai đang được đầu tư xây dựng thì bị dừng lại và hiện vẫn là những trụ bê tông trơ cốt thép. Theo một số doanh nghiệp, cảng này dù có cho không thì cũng sẽ mất rất nhiều tiền để phá đi, chứ không tận dụng được.
“Cơ quan nhà nước càng không dám nhận lại vì nếu bỏ ra cả trăm tỉ để trả cho các công trình mà biết chắc sẽ không sử dụng được thì sẽ gặp rắc rối. Trong khi đó, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy vẫn phải thu lại số tiền đã đầu tư vì đây là vốn nhà nước” – đại diện một doanh nghiệp chia sẻ.