Thiếu đơn hàng, thu nhập người lao động giảm

Doanh nghiệp thiếu đơn hàng kéo theo thu nhập của người lao động (NLĐ) giảm, cuộc sống của NLĐ vốn khó càng thêm khó.

Chật vật chi tiêu

Trong năm 2023, TPHCM ghi nhận hàng trăm nghìn người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng sản xuất phải cắt giảm lao động, thỏa thuận chấm dứt hợp đồng, nhiều NLĐ tự xin nghỉ việc do thu nhập không đủ sống.

Chị Hoàng Thị Sâm – quê Bình Định cho biết, thu nhập của chị giảm kéo dài khoảng một năm qua do công ty ít đơn hàng sản xuất, không được tăng ca. Sau khi trừ các khoản chi phí nhà trọ, ăn uống, gửi về quê phụ giúp gia đình, chị Sâm không còn dư đồng nào.

Chưa năm nào các doanh nghiệp dệt may, da giày khó khăn như năm nay, đơn hàng nhỏ giọt, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận những đơn hàng giá rẻ để giữ việc cho NLĐ.

Đơn hàng giảm, doanh nghiệp gặp khó, NLĐ vốn đã khó khăn càng thêm khó. Trong khi thu nhập giảm nhưng giá cả hàng hóa tiêu dùng leo thang mỗi ngày.

Chị Bùi Thúy Trang – quê Đồng Tháp cho biết, thu nhập của chị giờ chỉ còn hơn 6 triệu đồng/tháng vì công ty không có tăng ca. Với công nhân, khoản tiền tăng ca tuy không nhiều nhưng cũng giúp công nhân trang trải được cuộc sống hàng ngày, không được tăng ca trong thời gian dài khiến đời sống của công nhân càng thêm chật vật.

“Lương hơn 6 triệu đồng/tháng, trong khi vật giá gì cũng lên, tiền lương gói ghém lắm mới vừa đủ chi tiêu, không dư đồng nào” – chị Trang chia sẻ.

Sẻ chia với người lao động

Mặc dù tình hình khó khăn chung nhưng một số doanh nghiệp vẫn đảm bảo công việc, thu nhập cho NLĐ. Tại Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến, năm 2023 mặc dù khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn đảm bảo công việc, thu nhập cho NLĐ. Bên cạnh đó, các chế độ chăm lo luôn bằng hoặc cao hơn luật quy định.

“Chúng tôi luôn quan tâm tới NLĐ, ngoài các ngày lễ, Tết Nguyên đán chúng tôi vừa thưởng một tháng lương thứ 13, vừa thưởng hoàn thành nhiệm vụ, cuối năm 2022, bình quân mỗi công nhân nhận 17 triệu đồng. Năm 2023 cũng khó khăn nhưng chúng tôi không cắt giảm lao động, không một giờ, một ngày nào NLĐ phải nghỉ việc. Với cường độ làm việc cũng như năng suất lao động đạt được nếu bằng với năm 2022 thì chúng tôi sẽ thưởng Tết 2023 bằng năm 2022” – ông Ngô Thành Phát – Giám đốc điều hành Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến cho hay.

Theo ông Hứa Quốc Hưng – Trưởng Ban Quản lý các KCX-CN TPHCM (Hepza), năm nay tình hình lao động tại TPHCM khó khăn, số lượng lao động không về quê ăn Tết dự báo sẽ nhiều hơn so với mọi năm, do đó, Ban Thường vụ Đảng ủy và Ban Quản lý Hepza đang xây dựng các kế hoạch chăm lo cho NLĐ với nhiều chương trình và mở rộng đối tượng chăm lo.

“Chúng tôi cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp đóng góp cùng chung tay với chính quyền thành phố, tổ chức Công đoàn và Hepza cùng chăm lo cho NLĐ. Hy vọng rằng năm nay NLĐ đón Tết tuy không phải ở quê nhà, nhưng sẽ có một cái Tết thật ấm áp” – ông Hưng nói.

(Theo Lao Động)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *