Tránh sập “bẫy” việc làm cuối năm

Thời điểm cuối năm, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh các hoạt động tuyển dụng với đa dạng các vị trí việc làm, mức lương hấp dẫn, đồng thời với đó, nhu cầu tìm việc của người lao động cũng tăng cao khiến thị trường lao động trở nên sôi động. Tuy nhiên, điều này cũng làm phát sinh nhiều chiêu trò lừa đảo tuyển dụng việc làm đòi hỏi người lao động phải hết sức cẩn trọng.

Mất công, mất tiền mà không được việc

Sau hơn nửa năm thất nghiệp không tìm được việc làm, chị Nguyễn Thị Ánh (phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) mừng như bắt được vàng khi thông qua mạng xã hội, chị có được thông tin tuyển dụng nhân viên bán xăng dầu của một Công ty xăng dầu có tiếng. Tới địa chỉ tiếp nhận tuyển dụng nằm trên đường Kim Đồng (quận Hoàng Mai, Hà Nội), chị Ánh khá bất ngờ khi đó chỉ là một văn phòng không có biển hiệu của Công ty xăng dầu, tuy nhiên khi được giải thích đây chỉ là nơi tiếp nhận hồ sơ tuyển dụng thì mọi nghi ngờ của chị Ánh cũng tan biến. Chị Ánh càng tin tưởng hơn khi nhân viên tiếp nhận hồ sơ xin việc nói chị không phải nộp bất cứ khoản phí nào, ngoài 250 nghìn đồng tiền phí thi lấy chứng chỉ phòng cháy chữa cháy.

“Họ bảo tôi về ôn tập và hẹn ngày quay lại kiểm tra kiến thức phòng cháy chữa cháy, nếu đạt thì sẽ được cấp chứng chỉ và được nhận vào làm việc. Tôi tiếp tục tin tưởng vì nghĩ rằng nhân viên bán xăng dầu thì cần kiến thức phòng cháy chữa cháy là đúng vì thế tôi đã dành thời gian tập trung ôn tập. Hôm làm bài kiểm tra, mặc dù tôi đã trả lời đầy đủ, rõ ràng, nhưng người giám sát vẫn nói tôi đã nhìn tài liệu nên không tính điểm và kết quả là tôi bị trượt. Về nhà ngẫm nghĩ tôi mới biết, thực chất không có việc tuyển chọn nhân viên bán xăng dầu nào cả mà chỉ là một chiêu trò lừa đảo. 250 nghìn đồng tuy không phải là một số tiền lớn nhưng trong lúc khó khăn thế này, mất một đồng cũng tiếc”, chị Ánh bức xúc nói.

Cũng bị dính chiêu trò lừa đảo tuyển dụng là trường hợp chị Nguyễn Quỳnh Chi ở quận Thanh Xuân Hà Nội. Theo lời chị Chi, thời gian gần đây, chị liên tục nhận được những tin nhắn qua điện thoại mời tham gia công việc làm thêm tại nhà với mức lương từ 6 đến 36 triệu đồng mỗi tháng. Tin nhắn nhấn mạnh, đây là công việc hoàn toàn hợp pháp và cũng đơn giản, chỉ cần dành thời gian tranh thủ làm tại nhà là có thu nhập. “Tôi chỉ ở nhà làm nội trợ, kinh tế gia đình lại khó khăn nên cũng muốn tranh thủ kiếm thêm để cải thiện thu nhập”, chị Chi tâm sự. Liên hệ qua zalo với số điện thoại trong tin nhắn, chị Chi được người tuyển dụng thuyết phục bằng nhiều cách và đã bỏ ra số tiền 300 nghìn đồng để đặt cọc giữ chỗ. Tuy nhiên, ngay sau đó, chị Chi không thể liên lạc lại với người tuyển dụng và lúc này, chị mới biết là mình đã bị lừa đảo.

Hai trường hợp kể trên có lẽ không phải là những trường hợp hiếm hoi người lao động trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo tuyển dụng. Đánh vào tâm lý lao động thất nghiệp cuối năm nóng lòng tìm việc làm mới để có thu nhập, nhiều đối tượng lừa đảo đã đăng tải thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội, hội nhóm hoặc bằng tờ rơi với lời giới thiệu việc làm hấp dẫn để thu hút lao động vào tìm việc.

Tìm đến các kênh giới thiệu việc làm chính thống

Liên quan đến vấn nạn lừa đảo tuyển dụng, ông Vũ Quang Thành – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thừa nhận, lợi dụng tâm lý nhẹ dạ, cả tin của nhiều người lao động, nhất là những lao động trẻ mới tham gia vào thị trường lao động và chưa có nhiều kinh nghiệm, một số cá nhân, tổ chức đã lừa đảo, gây méo mó trong bức tranh tuyển dụng chung. “Có lao động đã bị mất cả chi phí, bỏ công sức rất nhiều nhưng không thu lại được gì cả”, ông Thành nói.

Từ kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động nhiều năm qua, ông Vũ Quang Thành lưu ý người lao động khi tìm kiếm bất kỳ công việc nào cũng nên tìm hiểu thật kỹ trước khi ứng tuyển, từ tính chất công việc, tư cách pháp nhân và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp đến vị trí việc làm, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ xoay quanh vị trí việc làm đó, cách thức ký kết hợp đồng… “Đặc biệt cần hết sức lưu ý là không bao giờ có việc nhẹ lương cao cả, đây là thực tế. Khi người lao động được mời chào một công việc có tính chất nhẹ nhàng, lương hậu hĩnh thì điều đó chắc chắn không có”, ông Thành nhấn mạnh và cho hay, khi người lao động có một tâm thế chuẩn bị tốt sẽ tránh được các tình huống rủi ro phát sinh.

Hiện trên thị trường đang có rất nhiều kênh tuyển dụng tìm việc, song điều này cũng tiềm ẩn rủi ro do không được kiểm chứng. Vì vậy, ông Vũ Quang Thành khuyến cáo người lao động cần tìm đến các địa chỉ kết nối tìm việc uy tín, chẳng hạn như hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm. Riêng tại Hà Nội, hiện hệ thống các các sàn giao dịch việc làm vệ tinh đã được đặt tại các quận, huyện và đều có doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng qua trung tâm. Người lao động có nhu cầu sẽ đều được tư vấn, hỗ trợ hoàn toàn miễn phí. “Chúng tôi sẽ hỗ trợ đến thời điểm người lao động kết nối, tìm kiếm được việc làm để có thu nhập cho bản thân”, ông Thành nhấn mạnh.

Ông Vũ Quang Thành cũng cho biết, để công tác kết nối việc làm ngày càng hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của cả doanh nghiệp và người lao động, chất lượng các phiên giao dịch việc làm hằng ngày, phiên chuyên đề cũng ngày càng được nâng lên, đồng thời được tổ chức đồng bộ trên toàn hệ thống 15 điểm sàn. Ngoài ra, Trung tâm cũng thực hiện kết nối chia sẻ thông tin về thị trường lao động với các địa phương khác. Hiện về cơ bản đã kết nối được hầu hết các tỉnh phía Bắc, thông qua đó các đơn vị sẽ phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, nhằm tận dụng tối đa nguồn lực của mỗi địa phương.

(Theo Lao động Thủ đô)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *