Nhiều người tập trung tại công trường xây dựng đòi tiền lương

Cuối năm, nhiều người là công nhân, nhà cung cấp vật liệu xây dựng tập trung đến công trường xây dựng để đòi tiền lương, tiền nợ vật liệu xây dựng.

Những ngày qua, nhiều người là công nhân, nhà cung cấp vật liệu đã tập trung tại công trường của công trình xây dựng trụ sở mới của Toà án Nhân dân (TAND) tỉnh Thừa Thiên Huế đóng tại khu A – Đô thị mới An Vân Dương (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) để đòi tiền lương, tiền nợ vật liệu xây dựng từ đơn vị thi công.

Công trình trụ sở mới của TAND tỉnh Thừa Thiên Huế được khởi công từ tháng 2.2022, do liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Á Đông HPP và Công ty TNHH MTV Thương mại kỹ thuật ALICO làm đơn vị thi công; TAND tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư.

Công trình xây dựng trên khuôn viên đất có diện tích 6.954,5m2, quy mô công trình chính gồm 2 khối nhà: Nhà làm việc và nhà xét xử cao 5 tầng có hành lang nối giữa hai khối nhà; ngoài ra còn có nhà công vụ cao 2 tầng và các công trình phụ trợ khác. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng khoảng 132 tỉ đồng.

Số tiền thi công, vật liệu xây dựng và tiền lương của công nhân theo những người tập trung ở đây cho rằng, phía đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Á Đông HPP còn nợ họ là gần 3 tỉ đồng.

Theo đó, về người lao động, có 7 công nhân từng nằm trong Ban chỉ huy công trường cũng bị nợ nhiều tháng lương với tổng số tiền gần 500 triệu đồng.

Cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Phương là Chỉ huy trưởng của công trường từ tháng 4 đến tháng 10.2022 cho biết, đến nay phía đơn vị thi công còn nợ ông 6 tháng lương với tổng số tiền 162.568.000 đồng. Sau nhiều tháng nợ lương, ông đã phản ứng và phía Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Á Đông HPP mới chỉ cho ứng 10 triệu đồng.

Còn ông Hoàng Trung Tín – cán bộ làm hồ sơ của ban chỉ huy công trường – bị nợ 5,5 tháng lương với tổng số tiền 95.530.000 đồng; ông Hồ Tĩnh Trực – cán bộ phụ trách kỹ thuật điện nước – bị nợ 5,5 tháng lương với tổng số tiền 100.448.000 đồng.

Tiền thi công, tiền vật liệu xây dựng của 10 đơn vị được thống kê là hơn 2,3 tỉ đồng. Những đơn vị này chủ yếu là thi công san lấp mặt bằng, ép cọc li tâm, bảo vệ công trường, cung cấp vật liệu xi măng, cát, bêtông, gạch.

Ông Vũ Văn Minh – Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên Huế (đại diện chủ đầu tư) – thông tin, đã nắm được sự việc. Mặc dù đây chỉ là câu chuyện của đơn vị thi công với những công nhân và nhà thầu phụ của mình nhưng phía chủ đầu tư cũng sẽ có ý kiến và làm việc với phía Công ty Á Đông để sớm giải quyết sự việc, tránh ảnh hưởng đến tiến độ, cũng như uy tín của chủ đầu tư.

Để có thông tin hai từ phía đơn vị thi công, phóng viên đã nhiều lần liên hệ lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Á Đông HPP (số điện thoại 091xxx9999) song máy báo bận, nhắn tin không nhận được hồi âm.

Trưa 30.12, trao đổi với Lao Động, ông Lê Minh Nhân – Chủ tịch LĐLĐ Thừa Thiên Huế – cho biết: “Ngay sau khi nắm được thông tin, tôi đã khẩn trương chỉ đạo các cấp công đoàn, các phòng ban liên quan rà soát kỹ để nắm bắt xem có công nhân lao động nào là đoàn viên trực thuộc hay không. Nếu có, LĐLĐ tỉnh sẽ chủ động liên hệ với các sở, ban, ngành liên quan để cùng tìm ra hướng giải quyết sớm nhất cho người lao động, đặc biệt là trong thời điểm Tết Nguyên Đán cận kề như thế này”.

(Theo Lao Động)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *