Nợ lương, BHXH tại Công ty Haprosimex: Ai chịu trách nhiệm?

Nợ lương, BHXH từ khi còn là công ty nhà nước, sau khi cổ phần hóa (2017) và tiếp tục bán lại cho một nhóm cổ đông (2022), Công ty CP Tập đoàn Haprosimex vẫn chưa trả hết, dù tập thể người lao động rất nhiều lần kêu cứu lãnh đạo Công ty và các cơ quan chức năng.

Công ty CP Tập đoàn Haprosimex tiền thân là Liên hiệp các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Hà Nội, qua nhiều lần chuyển đổi với các tên gọi: Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội rồi Công ty TNHH MTV Haprosimex. Giai đoạn 2011-2016, khi còn là công ty nhà nước, việc sản xuất kinh doanh thua lỗ, nợ ngân hàng, âm vốn chủ sở hữu, công nhân bị nợ lương, BHXH kéo dài.

Trước tình trạng đó, ngày 1/9/2016, UBND TP Hà Nội ra Quyết định 4798/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án tái cơ cấu chuyển đổi thành công ty cổ phần. Tại thời điểm này, giá trị thực tế doanh nghiệp được xác định trên 391 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước là âm 264,7 tỷ đồng.

Quyết định nêu Công ty TNHH MTV Haprosimex có trách nhiệm bố trí nguồn thanh toán khoản nợ lương, BHXH và các khoản đóng góp khác cho người lao động. Thời điểm chuyển sang công ty cổ phần, nếu chưa thanh toán, bàn giao công ty cổ phần có trách nhiệm kế thừa để thực hiện chi trả lương, đóng BHXH và các khoản đóng góp khác của người lao động theo quy định.

Về phương án tài chính, Quyết định cũng nêu rõ: “Từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 0 giờ ngày 1/7/2015 đến thời điểm Công ty TNHH MTV Haprosimex chính thức chuyển thành Công ty cổ phần (thời điểm cấp giấy đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần), nếu Công ty TNHH MTV Haprosimex có phát sinh lỗ (nợ lãi vay phát sinh, xử lý nợ phải thu khó đòi, chi phí trợ cấp mất việc làm cho người lao động nghỉ việc theo quy định, tiền thuê đất, nợ phải trả nhà nước, nợ lương, BHXH của người lao động…), Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) thực hiện xử lý lỗ và tồn tại tài chính (nếu có)”.

Quyết định là vậy nhưng trên thực tế từ năm 2017 khi Công ty này tiến hành cổ phần hóa, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) nắm giữ 99,79% vốn điều lệ thì việc chi trả nợ lương, đóng BHXH cho người lao động bị “ngó lơ”. Gần 500 công nhân sản xuất phải nghỉ việc, trong khi Công ty không ký quyết định chấm dứt hợp đồng lao động.

Chị Đào Thị Hằng – từng làm việc tại phòng Kỹ thuật của Công ty, đại diện tập thể công nhân mất quyền lợi, nói rằng đã gửi đơn khiếu nại lên Công ty nhiều lần nhưng chỉ một lần duy nhất được đối thoại – hồi Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) mới tiếp quản. “Những lần sau đó Công ty không hồi âm”, chị Hằng cho hay.

Báo cáo tài chính của Công ty các năm 2019, 2020 thể hiện số nợ phải trả người lao động từ 5,8 – 6,5 tỷ đồng; nợ BHXH, BHYT trên 12 tỷ đồng. Riêng Nhà máy Dệt kim Haprosimex, tiền lãi chậm nộp BHXH, BHYT, BHTN trên 1,2 tỷ đồng.

Tháng 4/2022, một nhóm cổ đông (trong đó có bà Nguyễn Thị Hoà, ông Trần Trọng Phúc) sau khi mua lại công ty đã xử lý phần nợ lương, BHXH cho những lao động làm việc có trong danh sách lương từ trước khi cổ phần hóa đến năm 2022.

Dựa trên giấy ủy nhiệm chi phía Công ty cung cấp, cho thấy từ tháng 6 đến tháng 9/2022, Công ty nộp BHXH trên 6,7 tỷ; đồng thời trả nợ lương trên 3,5 tỷ.

Mặc dù vậy, số tiền nợ lương, BHXH vẫn chưa được giải quyết dứt điểm đối với hàng trăm công nhân lao động từng làm việc tại Nhà máy Dệt kim Haprosimex (Gia Lâm, Hà Nội).

Nguồn tin từ Công đoàn Hà Nội cho biết, hiện Công ty CP Tập đoàn Haprosimex còn nợ lương trên 2,8 tỷ đồng đối với khoảng 90 người lao động; nợ BHXH gần 13 tỷ đồng đối với gần 500 lao động. Những công nhân này dù chưa có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty nhưng đã được cho nghỉ việc từ năm 2017, quyền lợi bị “bỏ quên” từ đó.

Hôm 7/3/2023, trao đổi với PV Tạp chí Lao động và Công đoàn, đại diện Công ty CP Tập đoàn Haprosimex, ông Trần Trọng Phúc – thành viên HĐQT khẳng định: “Theo luật, chúng tôi vẫn phải kế thừa cái khoản nợ đấy. Công ty không chối bỏ nhưng đang cực kỳ khó khăn, phải trả từ từ”.

Rõ ràng, việc “kế thừa trách nhiệm” xử lý lỗ và tồn tại tài chính, trong đó có nợ lương, BHXH là trách nhiệm của doanh nghiệp, song việc để “treo” quyền lợi của người lao động suốt một thời gian dài thì dư luận có thể đặt ra câu hỏi: Trách nhiệm của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hà Nội – cơ quan thực thi việc thanh tra chấp hành quy định pháp luật về lao động như thế nào?

Bên cạnh đó, với chức năng thanh tra chuyên ngành BHXH, có quyền thanh tra dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN của doanh nghiệp; có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận hoặc xử lý sau thanh tra, cơ quan BHXH TP Hà Nội đã làm tròn công việc của mình?

Suốt thời gian qua đã có bao nhiêu cuộc thanh, kiểm tra, xử phạt việc chấp hành quy định pháp luật lao động và BHXH đối với Công ty CP Tập đoàn Haprosimex? Câu hỏi này cần làm rõ, và điều cần thiết nên làm lúc này là sự vào cuộc của cơ quan công an – bởi BHXH Việt Nam từng nhiều lần phản ánh doanh nghiệp chây ì BHXH, né tránh các đoàn thanh, kiểm tra, song khi có xuất hiện công an thì nộp nhanh chóng.

Theo Điều 43, 44 Bộ luật Lao động 2019, khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng lao động; biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.

(Theo Lao động & Công đoàn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *